Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Vợ chồng quá khác biệt khiến hôn nhân bế tắc

Tôi 33, chồng 39 tuổi, có một con gái nhỏ 5 tuổi lém lỉnh, đáng yêu. Vợ chồng tôi có khoảng cách lớn về trình độ, hiểu biết xã hội nên không có sự đồng cảm.

Tôi là người ở tỉnh lên thành phố, phấn đấu học tập, làm việc nên có một công việc ổn định, thu nhập tốt. Tôi khá lý trí, có hoài bão, đam mê, biết cân bằng giữa gia đình và cuộc sống. Con cái hầu như do một tay tôi dạy dỗ, trông nom.

Chồng tôi làm cho một cơ quan nhà nước. Có thể anh học hành không cao (trung cấp) cùng với tính cách không ham học hỏi nên kiến thức về xã hội của anh không nhiều. Cưới nhau xong, tôi đã động viên anh đi học đại học. Anh sống một cuộc sống an phận, phó mặc cho tôi lo kinh tế gia đình. Thứ anh yêu thích là trồng cây, nuôi chim, xem phim, tán dóc và nhậu. Anh không thích chơi với người giỏi hơn mình vì không thích cách người ta nói chuyện, nói họ dạy đời. Bạn bè của anh là dân lao động, tài xế… nói chung là những người có thể ngồi nghe anh nói. Anh khá nóng nảy, ở cơ quan làm việc anh không được lòng lãnh đạo, ở gia đình anh cũng to tiếng…

Khách quan mà nói, anh có lý lẽ của mình nhưng cách hành xử, nói chuyện của anh làm người khác khó chịu, làm người thân cảm thấy tổn thương. Anh ít khi thể hiện tình cảm với vợ. Vợ nói gì không vừa ý, anh nhăn nhó, trợn mắt, nạt nộ… Vợ nói mặc vợ, nếu không đúng ý mình thì anh chẳng làm theo.

Tôi cảm thấy rất tủi thân khi phải chịu trách nhiệm mọi việc đối nội đối ngoại trong khi chồng cứ lo chuyện ở đâu. Tôi vừa lo kinh tế gia đình, chăm sóc nhà cửa, dạy dỗ con cái vừa phải ngọt ngào, nhẹ nhàng với chồng. Nói căng với anh là không được. Anh sống rất cảm tính, thích làm việc gì thì làm chứ không phải làm việc mà mình thấy cần thiết cho gia đình vợ con. Bao nhiêu khó khăn, stress tôi tự giải quyết, tự tìm niềm vui để cân bằng cho mình. Điều này đã làm tôi tổn thương không ít. Khi tôi đi công tác, anh vẫn có thể đảm nhận việc chăm sóc con mà không than trách gì. Tuy nhiên, thường anh sẽ gọi bạn nhậu đến nhà và cho con lên lầu xem tivi.

Cuộc sống gia đình tôi cứ vậy trôi qua, vài ngày vui vẻ rồi sau đó lại giận hờn. Càng ngày tôi nhận thấy khoảng cách càng lớn. Gần đây nhất, anh muốn có xe phân khối lớn cũ (đại loại như Custom) trong khi bản thân không có thu nhập tốt. Lương mỗi tháng anh khoảng 6 triệu đồng, anh đưa vợ 3 triệu. Tôi vẫn lấy tiền của chồng và có những câu nói để anh cảm thấy mình có đóng góp cho gia đình và không tủi thân. Thực tế, số tiền đó không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình tôi hiện nay gồm chi tiêu hàng ngày, chi phí xe hơi, con đi học, người giúp việc, đóng học phí cho anh, mua sắm cho gia đình…

Tôi phân tích cho anh hiểu là tôi sẵn sàng mua xe mới phù hợp cho anh (Lead, Air Blade…) để làm phương tiện đi làm phù hợp với môi trường công sở nhà nước và anh yên tâm công tác thay vì tối ngày phải lo sửa xe. Hơn nữa tại cơ quan, anh cũng có nhiều vấn đề không nên phô trương như vậy. Dù tôi nói thế nào, anh vẫn quyết tâm mua cho bằng được. Tôi không đưa tiền, anh vay mượn tiền của bạn bè, trả góp, trả chậm…

Qua nhiều việc, tôi thấy mình chẳng có ý nghĩa gì với chồng. Lời tôi nói chỉ cho vui, chồng vẫn muốn làm gì thì làm. Tôi chẳng có được cảm giác yên tâm, được tôn trọng khi sống bên cạnh anh. Anh chẳng mảy may với cái gánh nặng gia đình tôi đang phải gánh, mà đáng lý người nhận trách nhiệm đó phải là anh.

Nhiều lần tôi tự hỏi mình đã mắc phải sai lầm gì trong cuộc hôn nhân này. Phải chăng tôi cho anh biết khả năng tài chính của mình nên giờ anh ỷ lại. Hay tôi quá chiều chồng nên giờ anh như thế. Nếu thu nhập của tôi ít đi, gia đình liệu có hạnh phúc hơn không.

Sự kềm nén lâu ngày đôi lúc làm tôi muốn nổi loạn, muốn làm gì đó cho bản thân, muốn sống một cuộc sống cho riêng mình. Có quá đáng không khi tôi nhận thấy mình xứng đáng được hạnh phúc sau những nỗ lực của bản thân. Tôi sợ một lúc nào đó sẽ hối tiếc vì đã sống một cuộc sống tẻ nhạt và để tuổi thanh xuân trôi qua một cách vô nghĩa.

Điều khiến tôi băn khoăn nhất là sợ một quyết định nào đó ích kỷ cho riêng mình có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Tôi thấy con là đứa bé giàu tình cảm, có tố chất tốt. Cháu sẽ phát triển tốt nếu được sống và học tập trong môi trường tốt. Cháu yêu thương cả ba và mẹ. Tôi sợ cháu sẽ thiệt thòi nếu gia đình đổ vỡ.

Những suy nghĩ và cách sống của tôi có vấn đề gì không? Mong nhận được cái nhìn, góp ý khách quan từ các độc giả có kinh nghiệm.

Ngọc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

| Blogger Templates
Scroll To Top