Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Ba ơi, ba có thể buông tha cho mẹ được không?

Ba có còn nhớ ngày gia đình mình xảy ra biến cố, anh Hai đi tù, chị rời nhà đi từ lâu, ba cũng bỏ mẹ con con để sống với vợ bé.
Ngày đó con mới 8 tuổi, chưa thực sự hiểu chuyện gì đang xảy xung quanh, chỉ biết nhìn mẹ khóc mà khóc theo. Ngày tháng trôi qua, mẹ khổ cực nuôi con lớn. Con không thể nào quên được hình ảnh mẹ khóc nức nở khi con nói với mẹ, con sẽ đi học nghề làm tóc để phụ mẹ có tiền. Khi ấy con mới vừa học xong lớp 7, sáng đi học ở trường, chiều về học nghề. Cũng từ đó con không dám ăn quà vặt nữa, con hiểu được phần nào giá trị của đồng tiền. Mỗi khi muốn mua gì, con đều suy nghĩ thật kỹ để không lãng phí. Chính những ngày tháng cực khổ đó đã tôi luyện con và buộc con phải sống có trách nhiệm với cuộc đời này.

Ba có biết trong những năm tháng đó con không phải lo tiền học vì đã có rất nhiều thầy cô và ân nhân cho con học bổng để con được học tiếp. Con đã chăm chỉ và cố gắng hết sức để học thật giỏi, để duy trì nguồn học bổng đó với suy nghĩ chỉ như thế mình mới có thể tiếp tục được đi học. Lúc ấy mẹ đã ngoài 50 nhưng vẫn phải còng lưng đi làm nuôi con. Mẹ chắt chiu từng chút để mua những thứ con cần. Đã có những giây phút cuộc sống này quá khó khăn và con ghét ba đến ghê gớm. Những khi ấy, mẹ luôn nói với con: “Ai cũng có những nỗi khổ riêng, sau này con lớn lên sẽ hiểu”.

Một ngày đẹp trời khi con học lớp 8, ba quay về. Cảm xúc như vỡ òa, con đã rất vui và sung sướng. Thế nhưng cũng chính từ đó ba đã đẩy con đi xa ba. Ba ỷ lại vào học bổng con có mà không quan tâm, lo lắng tới những số tiền học phí phát sinh. Điều duy nhất ba quan tâm là kết quả, nếu lỡ lúc nào con bị xếp loại khá ba sẽ chì chiết, la mắng con. Ba để tất cả mọi khoản cho mẹ lo, từ tiền nhà, tiền nước, tiền điện đến những chi phí khác. Còn tiền lương của ba, ba đã chi vào đâu?

Ba chắc hẳn còn nhớ vì mê bài bạc và đề đóm mà ngày xưa, lúc con còn nhỏ, ba đã phải bán nhà. Giờ đây, mọi chuyện vẫn đang lặp lại như thế. Chỉ khác là không còn nhà nữa, ba chuyển sang bán điện thoại, đồng hồ, mọi thứ ba có thể bán được. Mỗi khi rượu vào, ba lại chửi mắng mẹ. Ba chửi cả dòng họ nhà ngoại bằng những từ ngữ xấu xí nhất trên đời. Những lúc như thế, con đã rất tức giận mà muốn chống lại ba, nhưng con còn nhỏ và mẹ lúc nào cũng can ngăn con.

Lên cấp ba, con thi đậu vào một trường điểm của thành phố. Cuộc sống khó khăn hơn với nhiều thêm chi phí. Con cũng lớn dần lên với suy nghĩ độc lập và cầu toàn. Con không còn đứng yên nhìn ba thượng cẳng chân hạ cẳng tay với mẹ nữa. Con đã chống lại ba, thách thức ba và đe dọa ba nếu như còn dám đụng vào mẹ.

Mọi thứ vỡ òa vào cái ngày ba lật đổ bàn thờ. Ba biết đó là tín ngưỡng, là niềm tin của con nhưng ba đã làm vậy. Chỉ trong một giây phút thôi, nếu con không kiềm chế thì có lẽ giờ con và ba đã không còn nhìn thấy nhau nữa. Từ đó khoảng cách giữa con và ba đã không thể xa hơn được nữa.

Sống chung một mái nhà nhưng con và ba chưa hề nói chuyện với nhau dù chỉ một lời. Mỗi khi con ở nhà, ba chẳng bao giờ nói năng gì cả. Chỉ khi con đi học hay ra ngoài, ba lại đổ hết mọi thứ lên đầu mẹ. Rồi chị và con gái nhỏ chuyển lên sống cùng. Con rớt đại học. Ba biết đó là một trong những tháng ngày đen tối nhất của con nhưng ba đã hả hê chỉ trích, chê bai con với các cô chú. Con vượt lên tất cả để bắt đầu lại bằng một công việc tay chân 12 giờ mỗi ngày. Con đã chính thức gia nhập thế giới người lớn như thế đó.

Chị bị chẩn đoán viêm màng não và xuất huyết não. Giờ phút chị cận kề với cái chết, ba vẫn thong thả vô tư mặc cho con và mẹ chạy khắp nơi lo tiền cho chị. Bao nhiêu tiền dành dụm để mua nhà của con và mẹ tan vào mây khói, cộng thêm số nợ vài chục triệu bỗng dưng đè nặng trên vai con. Cuộc đời con chưa từng mượn ai quá vài trăm nghìn, vậy mà giờ bỗng nhiên trở thành con nợ với mấy chục triệu đồng. Riêng ba vẫn cứ hững hờ như thế.

Cuộc đời con lật sang một trang mới khi nhờ vào khả năng tiếng Anh mà con vô tình được sếp phát hiện và tuyển vào làm văn phòng ở một công ty nước ngoài. Giờ thì cuộc sống đã tốt đẹp hơn. Công việc của con đã ổn định và đang thăng tiến. Bệnh tình của chị cũng khả quan hơn. Mẹ đã nghỉ làm từ lâu, cũng không phải canh cánh lo lắng về tiền bạc nữa. Chỉ có ba là vẫn thế. Rượu vào ba lại chửi bới lung tung. Mẹ thương ba lắm, nên mẹ chỉ biết khóc mà nhịn nhục.

Con đã thề sẽ không để ai làm tổn thương mẹ, kể cả ba. Ba mẹ giờ đều đã ngoài 60. Con không còn thương ba như ngày còn bé, nhưng là một con người trách nhiệm, con sẽ cố gắng cho ba một tuổi già yên bình nhất. Con không thể cung phụng cho thói bài bạc của ba được đâu ba à. Con càng không thể để ba đụng chạm tới tín ngưỡng của con hay hành hạ mẹ thêm một giây phút nào nữa.

Đã bao nhiêu lần trong cơn say, ba nói không cần sống trong cái nơi tồi tàn này nữa, sẽ lấy hết những gì ba mua và ra đi. Ba ơi, con đã và đang gồng mình, cố gắng gánh vác trách nhiệm tạo dựng một cuộc sống tốt hơn cho cả nhà. Chỉ xin ba đừng làm tổn thương mẹ nữa. Con đã quá mệt mỏi với công việc ở công ty, con không muốn phải nhức đầu vì chuyện gia đình nữa.

Con biết ba không thể thay đổi, vậy sao ba không buông tha cho mẹ đi? Con chưa bao giờ muốn ba rời khỏi căn nhà này thêm lần nữa nhưng đã chẳng còn cách nào cứu vãn gia đình chúng ta nữa rồi. Ba không hài lòng với cuộc sống hiện tại, trong mắt ba con là đứa mất dạy, chỉ biết mẹ mà không biết ba. Con không thể thương ba như ngày trước nữa nhưng con sẽ phụng dưỡng ba, chỉ xin ba đừng làm khổ mẹ nữa. Ba đã không làm được.

Năm nay 21 tuổi, con có nhiều ước mơ còn dang dở lắm nhưng con đã hứa với mẹ là sẽ cố gắng làm việc, sẽ lo cho chị đến tận ngày cuối cùng, sẽ chăm sóc cháu đến khi nó trưởng thành, và hơn hết sẽ làm tất cả để cho mẹ cuộc sống tốt đẹp nhất.

Ba ơi, hôm nay cầm 6 triệu tiền lương trên tay, con hạnh phúc lắm. Mọi chuyện đã tốt đẹp hơn với gia đình chúng ta rồi. Chỉ còn ba nữa thôi. Nếu ba đã không muốn tiếp tục cuộc hành trình này với mẹ con con, thì xin ba hãy cứ đi đến nơi nào ba thích, con sẽ chu cấp cho ba nhiều nhất mà con có thể.

Ba ơi, ba làm ơn hãy buông tha cho mẹ.

Oanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

| Blogger Templates
Scroll To Top